TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG TRANG SỬ VÀNG.

    Giáo dục lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương luôn là nỗi niền trăn trở của nền giáo dục. Bởi lẽ, sẽ khó chọn được một cách thức phù hợp nhất, đúng đắn nhất để dẫn dắt học sinh, khơi ngợi trong các em niềm hứng thú, say mê với môn học, tránh sự nhàm chán, khuôn mẫu. Nhận thức rõ điều đó, các thầy cô của trường tiểu học Vũ Đông đã có một cách làm vô cùng sáng tạo, kết hợp tìm hiểu lịch sử địa phương với hoạt động ngoài giờ lên lớp của các bạn học sinh.

        Buổi sáng tháng 12, cái lạnh thấm qua từng cảnh vật, nhưng không thể nào làm nguội lạnh trái tim đang tràn đầy sự hứng khởi, hăm hở và say mê của cô trò trường tiểu học Vũ Đông. Từ bảy giờ sáng, cô và trò trường tiểu học Vũ Đông đã có mặt tại khuôn viên của gia đình ông Trần Văn Bảo (người em trai của AHLLVT, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai) để chuẩn bị cho hoạt động ngoại khóa của mình. Tham dự buổi ngoại khóa hôm ấy còn có sự tham gia của các khách mời đại diện của Phòng GD-ĐT Thành phố, Đoàn thanh niên CSHCM thành phố Thái Bình, Đoàn thanh niên CSHCM xã Vũ Đông cùng các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND xã Vũ Đông.

                                                                           Không gian của buổi học ngoại khóa trường tiểu học Vũ Đông

 

 

        Cô Lều Thị Dung, phó hiệu trưởng nhà trường, trong bộ áo dài duyên dáng, tất bật với công việc chuẩn bị vẫn không quên nở nụ cười trên môi và lưu lại chính cảm xúc của mình. Với cô, đây là một ngày vô cùng ý nghĩa không chỉ với nhà trường và còn với cả gia đình thân nhân AHLLVT, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai, với xã Vũ Đông, với cả tỉnh nhà. Bởi từ trước đến nay, chưa có bất cứ một hoạt động chính thức và mở rộng nào để tìm hiểu về người Anh Hùng của quê hương xã Vũ Đông Trần Văn Lai, người có công lao quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

        Sau lời giới thiệu của cô Lều Thị Dung là bài múa hát tập thể của chính các bạn học sinh khối 4, 5 trong trường. Lời ca, tiếng nhạc, điệu múa chan chứa biết bao yêu thương, cảm mến, tự hào về quê hương  " Em yêu quê hương, Thái Bình thân thương,khăn quàng đỏ trên vai đàn em vui đến trường. Em yêu quê hương, Thái Bình thân thương, tuổi thơ vâng lời Bác gắng chăm học, chăm làm. Để ngày mai dựng xây non nước sáng ngời vinh quang...." vang lên ngay tại chính khoảng sân nhỏ của người anh hùng.

Cô Lều Thị Dung, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Vũ Đông giới thiệu đến các vị quan khách, thầy trò trường tiểu học Vũ Đông 
về mục đích và ý nghĩa của buổi học ngoại khóa

 

 

        Sau tiết mục múa mở màn là lễ dâng hương tưởng nhớ đến người anh hùng AHLLVT, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai. Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động và tràn đầy niềm tự hào. Di ảnh của  AHLLVT, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai và người vợ của mình là bà Phạm Thị Chinh ( Phạm Thị Minh Chính) được đặt trang trọng trên ban thờ khiến cho cô trò trường tiểu học Vũ Đông và toàn thể quan khách không khỏi bồi hồi, xúc động. Một người con của vùng quê nghèo khó xã Vũ Đông, lớn lên và trưởng thành trong cái nôi của cách mạng, trở thành một chiến sĩ công sản kiên trung, bất khuất, hoạt động ẩn mình trong lòng địch với sự khôn khéo của một doanh nhân khiến cho ai ai cũng nể phục và kính trọng.

Ông Trần Văn Bảo và vợ ( Ngồi thứ hai và thứ ba từ phải sang) - Em trai của AHLLVT Trần Văn Lai

 

Sau màn dâng hương, tiết mục mà các bạn nhỏ mong chờ đã đến. Không còn là những bài giảng khô khan ở trên lớp nữa,  ngày hôm nay các bạn về đây, ngay tại chính ngôi nhà của người anh hùng Trần Văn Lai, được nhìn tận mắt và nghe tận tai những huyền thoại về người anh hùng của quê hương Vũ Đông. Tất cả như một thước phim quay chậm, thật sống động, thật bất ngờ đưa các bạn nhỏ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác,  từ hứng khởi này đến hứng khởi khác. Nhìn những đôi mắt trong sáng dõi theo từng bức ảnh, nhìn những gương mặt chăm chú theo dõi từng đoạn phim của những người học trò nhỏ khiến cho các giáo viên trong trường vô cùng bất ngờ. Tấm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Minh Thu, hiệu trưởng nhà trường vô cùng bồi hồi xúc động: " Chúng tôi không nghĩ rằng, buổi học ngoại khóa ngày hôm nay lại thành công đến như vậy. Học trò của chúng tôi say mê, hứng thú với buổi học, chăm chú nắm bắt từng nội dung kiến thức. Đó là thành công lớn nhất của người làm thầy chúng tôi. Giờ đây, các bạn sẽ hiểu được giá trị của lịch sử, trân trọng hơn những ngày tháng hòa bình, ấm no mà các bạn ấy đang được tận hưởng"

các bạn nhỏ trường tiểu học Vũ Đông đang say sưa lắng nghe về quá trình hoạt động của người AHLLVT Trần Văn Lai

 

Ông Trần Văn Bảo, em trai của AHLLVT ND Trần Văn Lai, trong suốt cả buổi nói chuyện ngày hôm nay không thể ngăn được những dòng nước mắt chứa chan sự thương nhớ, xúc động và tự hào. Ông đã viết bao nhiêu trang sách, trả lời biết bao nhiêu cuộc phỏng vấn của báo đài về người anh trai của mình. Với ông, đó không chỉ là người anh trai mà trong lòng ông đó là người anh hùng. Từ một thiếu niên phải bỏ quê hương ra đi vì nghèo khổ, được giác ngộc cách mạng, rồi trở thành người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, một nhà thầu khoán giàu có hoạt động khôn khéo trong lòng địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chúng ta trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, với ông Bảo, đó là huyền thoại với nhiều tình tiết ly kì, hấp dẫn mà người ta nghĩ điều đó chỉ có trong phim ảnh.

          Buổi học ngoại khóa kết thúc nhưng vẫn để lại trong lòng người dự biết bao lưu luyến, xúc động. Cô trò trường tiểu học Vũ Đông mong rằng, không chỉ có một mà sau này, cô trò sẽ có nhiều, thật nhiều buổi học ngoại khóa ý nghĩa và giàu cảm xúc như thế.

Thầy cô trường tiểu học Vũ Đông chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình ông Trần Văn Bảo và các khách mời.

 

Trần Văn Lai tự là Mai Hồng Quế, bí danh Năm Lai và Năm U-Som, sinh năm 1920 trong một gia đình nghèo ở Vũ Đông, thuộc dòng họ Trần Đông A.

Ngay từ 8 tuổi, Trần Văn Lai đã được học chữ Nho, chữ Quốc ngữ tại làng Bo (phường Hoàng Diệu-TP Thái Bình).

Năm 13 tuổi, vì nhà quá nghèo, ông bỏ quê lên tỉnh. Số phận run rủi, ông về làm thằng nhỏ sai vặt cho nhà me Tây. Me Tây quá ác độc nên ông bỏ đi, rồi lại đi ở nhà ông chủ người Pháp.

Trước khi ông chủ Pháp về nước lại dẫn ông đến giao cho quan Án sát Phạm Gia Nùng. Phạm Gia Nùng ghiền thuốc phiện rất nặng, nên giao việc bồi tiêm cho Lai. Nhờ khéo tay, cậu bé Trần Văn Lai đã chinh phục được Nùng, cả anh ruột của ông là Thái tử Thiếu Bảo Đại học sĩ Phạm Gia Thụy, đến mức, bà vợ bé của Nùng đã từng giới thiệu với quan khách rằng Lai là cháu của chồng.

 Năm 16 tuổi, ông theo đoàn mộ phu vào Nam Kỳ cạo mủ cao su cho đồn điền Pháp ở Dầu Tiếng Thủ Dầu Một và được giác ngộ cách mạng.

Đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Lai tham gia vào các tổ chức tự vệ quyết tử, làm công tác vận động tài chính, phá hoại cơ sở hậu cứ địch.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ ở lại miền Nam, nằm vùng trong lòng địch. Để có điều kiện hoạt động tại Sài Gòn, tổ chức sắp xếp cho ông một cuộc “hôn nhân” với bà Phạm Thị Phan Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh) là chiến sĩ cộng sản, thành viên của biệt động Sài Gòn, cháu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, một trong những tài phiệt giàu có nhất Sài thành lúc bấy giờ. Nhờ vậy, Trần Văn Lai nhanh chóng trở thành một nhân vật có vai vế trong giới tư sản Sài Gòn. Để che đậy hành tung của mình, ông vào vai dưới danh nghĩa doanh nhân- nhà thầu khoán Mai Hồng Quế.

Ông được chính quyền Sài Gòn cấp giấy phép tự do ra vào Dinh Độc lập, trung tâm đầu não của chế độ tay sai của Mỹ, để sửa chữa, thiết kế những công trình kiến trúc nội thất trong dinh.Từ lợi thế này ông đã nghiên cứu vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra canh gác của binh lính tại Dinh Độc Lập sau đó ngụy trang và vận chuyển thành công ra Quân khu.

Trong quá trình hoạt động, ông đã bí mật vận chuyển hàng tấn vũ khí vào nội đô, xây dựng được trên 20 cơ sở đặc biệt tin cậy và tự tay thiết kế, xây dựng 7 căn hầm tại các nhà riêng của mình dùng để cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ hoạt động tại nội thành Sài Gòn. Ông bán hai căn biệt thự của mình ở số 6 và số 8 Tự Đức, quận Phú Nhuận (nay là Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận) trích ra 800.000 đồng Sài Gòn gửi vào nhà băng Trung Quốc để chi dùng cho công cuộc cách mạng của Quân khu. Đồng thời mua 7 căn nhà gần những mục tiêu ta sẽ tấn công như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh... Đặc biệt là mua căn nhà số 287 Trần Quý Cáp, gồm 3 căn liền nhau 68, 70, 72 để đào thành một căn hầm chứa vũ khí. Số vũ khí này đã được sử dụng đánh Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ...trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968.

 

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cơ sở của Trần Văn Lai bị lộ. Ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy bắt gắt gao và treo thưởng 1 triệu đồng cho những ai bắt được ông. Phần lớn tài sản bị địch tịch thu, ông được tổ chức thu xếp phải tạm lánh về quê vợ ở Quảng Ngãi nương náu. Đến năm 1970 và 1972, ông hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi. Nhưng với tên giả là Phạm Sửu, chúng vẫn không biết được hoạt động trước đây của ông ở Sài Gòn.

Sau năm 1975, Trần Văn Lai về công tác tại Đơn vị Tiền phương B12, Bộ Tư lệnh thành đội Sài Gòn - Gia Định. Sau đó làm Trưởng Ban quản lý Thương xá Tam Đa. Năm 1977, ông về công tác Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ Tư lệnh Thành phố, là Thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, nên năm 1981 nghỉ hưu.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, những chiến công đã làm nên huyền thoại của Biệt động Sài Gòn, năm 2015, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.